Giai đoạn 1973-1975 Nội_chiến_Lào

Mỹ và chính quyền Vương quốc Lào phải ký Hiệp định Viêng Chăn ngày 21 tháng 2 năm 1973 với Pathet Lào, về lập lại hoà bình và hoà hợp dân tộc. Chính phủ Liên hiệp (lần thứ ba) và Hội đồng quốc gia chính trị Liên hiệp được thành lập... Thủ đô Viêng Chăn và kinh đô Luông Phabăng được trung lập hoá theo quy chế đặc biệt.

Với việc ký kết Hiệp định Viêng Chăn, Lào tạm thời bị chia thành 3 vùng: vùng Pathet Lào kiểm soát, vùng trung lập (Viêng Chăn, Luông Phabăng) và vùng do phái hữu kiểm soát, với ba chính quyền cùng tồn tại. Sau khi ký kết Hiệp định, Mỹ tiếp tục dính líu quân sự ở Lào, tiếp tục viện trợ quân sự (310 triệu đô la trong năm tài khoá 1973- 1974), thúc đẩy phái hữu tiến công vùng của Pathet Lào, ủng hộ Thaoma Sananicon làm đảo chính quân sự ở Viêng Chăn ngày 20 tháng 8 năm 1973. Tuy nhiên, phe hữu vẫn ký tiếp Nghị định thư ngày 14 tháng 9 năm 1973 về việc quy định tổ chức Chính phủ lâm thời. Trên cơ sở đó, ngày 5 tháng 4 năm 1974, Chính phủ Liên hiệp được thành lập do Hoàng thân Souvanna Phouma làm Thủ tướng, Hoàng thân Souphanouvong được cử làm Chủ tịch Hội đồng quốc gia chính trị hiệp thương.

Những người cách mạng Lào tiến hành đấu tranh chính trị, chĩa mũi nhọn vào lực lượng phái hữu trong Chính phủ, kết quả, ngày 10 tháng 7 năm 1974, Quốc hội Viêng Chăn bị giải tán. Đồng thời, Đảng Nhân dân cách mạng Lào chủ trương tích cực chuẩn bị lực lượng, tạo thời cơ để tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Năm 1975, sau khi quân Giải phóng miền Nam giải phóng miền Nam. Việt Nam nhanh chóng ủng hộ quân đội Pathet Lào tấn công quân chính phủ.

Thực hiện lời kêu gọi của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1975 phong trào khởi nghĩa đã diễn ra ở nhiều nơi. Toàn bộ chính quyền từ trung ương cũng như 15 tỉnh, 4 thành phố, 67 mường đã về tay Pathet Lào. Cuối cùng, ngày 23 tháng 8 năm 1975, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thủ đô Viêng Chăn, đánh dấu việc hoàn thành cơ bản việc Pathet Lào giành chính quyền trong cả nước. Việc giành chính quyền của Pathet Lào khá êm ả, ít bạo lực.

Trong hai ngày, 1 và 2 ngày 12 năm 1975, 246 đại biểu tiến hành Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại thủ đô Viêng Chăn. Đại hội đã quyết định xoá bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ Cộng hoà dân chủ nhân dân, cử "Hoàng thân Đỏ" Souphanouvong là Chủ tịch nước và thành lập Chính phủ mới do Kaysone Phomvihane làm Thủ tướng. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trở thành Đảng cầm quyền.

Vương quốc Lào sụp đổ. Giờ đây theo nhận định của nước ngoài, Lào là một nước thân chính quyền Hà Nội còn những người trước đây ủng hộ chính phủ Lào (trước đây) thì từ bỏ mục tiêu chính trị hoặc phải đi lưu vong.[15]